Bộ công thương

Trường Cao đẳng công nghiệp Thái Nguyên

Tin tức

Thủ tướng Chính phủ: Yêu cầu tạo điều kiện cho trường nghề dạy chương trình Giáo dục thường xuyên

Admin
24/06/2021

Thủ tướng Chính phủ: Yêu cầu tạo điều kiện cho trường nghề dạy chương trình Giáo dục thường xuyên

 Ngày 14/06, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành chỉ thị số 16 “Về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động".

Một trong những nội dung quan trọng được nhấn mạnh trong chỉ thị là yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH đẩy nhanh việc thực hiện các giải pháp đổi mới và phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập của công nhân lao động.

Chú trọng hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; gắn kết và huy động doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho công nhân lao động; đồng thời đáp ứng nhu cầu dịch chuyển lao động giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN.

Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo ngành giáo dục các cấp hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở để đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa giáo dục phổ thông ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là đối với con em công nhân lao động.

Hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút người quản lý doanh nghiệp và xã hội đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và những nơi tập trung nhiều công nhân lao động.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp muốn giảng dạy chương trình GDTX ở bậc THPT phải phối hợp, liên kết với các Trung tâm Giáo dục thường xuyên

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo Thông tư Quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho học sinh có bằng tốt nghiệp THCS theo học trình độ trung cấp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thông tư Quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp giúp cho học sinh có bằng tốt nghiệp THCS theo học trình độ trung cấp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp được học và hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT. Được cấp Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT để sử dụng trong việc theo học trình độ cao hơn của giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.

Học sinh được cấp Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT được bảo lưu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông nếu có nguyện vọng hoàn thành Chương trình giáo dục THPT.

Dự thảo Thông tư quy định, mỗi ngành, nghề của giáo dục nghề nghiệp, học sinh phải học ít nhất 04 môn học: 02 môn học bắt buộc và ít nhất 02 môn học lựa chọn phù hợp với ngành, nghề đào tạo. Cụ thể, Các môn học bắt buộc: Toán và Ngữ văn (Mỗi môn có thời lượng 270 tiết); Các môn học lựa chọn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí (Mỗi môn có thời lượng 180 tiết).

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành 4 môn này, học sinh không thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu muốn dự thi tốt nghiệp THPT thì các em vẫn phải học chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT, bao gồm 7 môn học ở các Trung tâm Giáo dục thường xuyên.

Như vậy, theo đại diện của nhiều trường nghề, bản chất của dự thảo "Thông tư Quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho học sinh có bằng tốt nghiệp THCS theo học trình độ trung cấp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp" không có gì đột phá. Các trường nghề vẫn không được phép giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT. Muốn được dạy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bắt buộc phải phối hợp, liên kết với các Trung tâm giáo dục thường xuyên.

Điều này, theo đại diện các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp là gây khó cho trường, cho chính các em học sinh và là rào cản cho việc phân luồng học sinh THCS, THPT.

                                                                                                                                                                                              Nguồn: Tổng cục giáo dục nghề nghiệp